Tin Tức
TP.HCM: Đề xuất tăng phí nước thải công nghiệp
Trên địa bàn TP.HCM nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp mỗi năm khoảng hiện tại 8 tỉ đồng. Theo UBND TP.HCM số thu này không đủ chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Do đó, dự kiến TP sẽ tăng mức thu phí lên để đạt con số 60 tỉ đồng/năm.TP.HCM: Đề xuất tăng phí nước thải công nghiệp
(03:45:53 PM, 28/02/2018)
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (ảnh: NLĐ)
* Đề xuất bổ sung cơ sở y tế, xử lý rác phải nộp phí
UBND TP.HCM sắp đưa ra lấy ý kiến góp ý đề án nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Cụ thể, UBND TPHCM cho hay, hiện trên địa bàn có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm). Mỗi năm, TPHCM thu 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng. Do đó, UBND TPHCM đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp.
* Mức phí tăng tỷ lệ thuận với mức gây ô nhiễm
UBND TPHCM cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm.
Dựa trên mức thu phí hiện hữu, TP.HCM dự tính sẽ áp dụng hệ số K để tính phí điều chỉnh. Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường tăng thêm tương ứng là 833 đồng/m3.
Mức phí tăng thêm được đề xuất tính theo cách: đối với cơ sở có lưu lượng xả dưới 5 m3/ngày đêm vẫn áp dụng tính mức cố định như hiện nay là 1,5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đối với cơ sở có tổng lưu lượng nước thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên thì ngoài mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm còn được tính thêm dựa theo lưu lượng xả thải cũng như tính chất ô nhiễm của nước và tính theo hệ số K.
Để tăng tổng nguồn thu, ngoài các đối tượng thu phí hiện hữu (hiện có 16 đối tượng), TP sẽ mở rộng thu phí. Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m3/ngày đêm. Khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến TPHCM thu được 60 tỷ đồng/năm.
Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thu được, TP dự tính sẽ trích lại 25% cho cơ quan thu phí.
UBND TPHCM phân tích việc tăng mức thu phí như đề xuất sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội. Cụ thể, phí tăng có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác và từ đó tác động đến người dân.
Tuy nhiên, việc tăng phí này sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải (giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường) và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Ngoài ra, nguồn kinh phí thu tăng thêm sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó nâng chất lượng sống của người dân.