Tin Tức
Tp. Hồ Chí Minh: Đến Năm 2020, 80% Nước Thải Sinh Hoạt Được Xử Lý Đạt Chuẩn
TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.
TP. Hồ Chí Minh: Đến Năm 2020, 80% Nước Thải Sinh Hoạt Được Xử Lý Đạt Chuẩn
TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.
TP.HCM với hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi khắp 24 quận, huyện, đây là khu vực tạo cảnh quan cho thành phố, đồng thời cũng là nguồn tiếp nhận nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như sinh hoạt của người dân. Hiện nay, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn thành phố vào khoảng 1.850.000 m3/ngày (lượng nước cấp là 1.200.000 m3/ngày, nước ngầm khai thác khoảng 650.000 m3/ngày), tương ứng với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m3/ngày.
Trong đó, theo ước tính, lượng nước cấp cho sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 1.200.000 m3/ngày và lượng nước thải phát sinh tương ứng. Hầu hết, nước thải sinh hoạt của dân cư đều được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thải ra ngoài. 18/8 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có nhà máy xử lý nước thải tập trung với lưu lượng xử lý bình quân 49.370 m3/ngày trên tổng công suất thiết kế là 75.300 m3/ngày. 100% các bệnh viện, phòng khám đa khoa đều đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Nước thải phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang được thống kê, kiểm tra để quản lý chặt chẽ đảm bảo hướng đến chỉ tiêu 100% nước thải y tế được thu gom xử lý.
Hiện nay, TP.HCM đã đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 171.000 m3/ngày đêm, xử lý khoảng 13,2% nước thải đô thị. Với lưu lượng xả thải khá lớn thì nước thải sinh hoạt cũng là nguồn ô nhiễm chính cho kênh rạch trên địa bàn thành phố.
TP.HCM hiện đang triển khai quan trắc chất lượng nước mặt tại 26 vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai và 15 vị trí đối với các kênh rạch nội thành cho các mục tiêu cấp nước, giao thông thủy, tiêu thoát nước. Trong đó, tại 06 vị trí phục vụ cho mục đích cấp nước thì hầu hết các thông số chất lượng nước mặt tại các vị trí quan trắc đạt quy chuẩn của nguồn phục vụ cấp nước sinh hoạt. Riêng chỉ tiêu vi sinh (Coliform) chưa đạt quy chuẩn cho thấy có sự ảnh hưởng từ nguồn nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước cấp trước khi phục vụ cho sinh hoạt của người dân đều qua hệ thống xử lý đạt yêu cầu cấp nước (chỉ tiêu vi sinh được xử lý bằng phương pháp khử trùng).
Để nâng cao chất lượng môi trường nước, trong thời gian tới, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai các giải pháp trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, đồng bộ với các giải pháp thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, Chương trình giảm ngập nước với mục tiêu: 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường, 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.
Đối với quản lý chất lượng môi trường nước dưới đất, UBND thành phố đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện: Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước ngầm, khai thác cát trên sông; xây dựng và triển khai Quyết định cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất thành phố; xây dựng và triển khai Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác không sử dụng; nghiên cứu xây dựng bản đồ tầng nước ngầm làm căn cứ đánh giá sự lan truyền ô nhiễm và bố trí các giếng khoan quan trắc chất lượng nước ngầm tại các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố.
Đối với quy hoạch nhà máy xử lý nước thải tập trung, TP.HCM đã và đang tiếp tục kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo quy hoạch đến năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM chỉ lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị đảm bảo hiện đại, hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa, diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành hợp lý. Đặc biệt, thành phố sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư với hình thức xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP hoặc tìm nguồn vốn đầu tư từ vốn vay nước ngoài, ODA, từ các Chương trình biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên cơ sở kết hợp các lưu vực thoát nước, tận dụng tối đa những mặt bằng đã được giải tỏa và phù hợp với mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.